logo

BÍ ẨN VỀ TIỀN KIẾP HẬU KIẾP (CHƯƠNG 6-PHẦN I)

Bí Ẩn Về Tiền Kiếp Hậu Kiếp

Đoàn Văn Thông

---o0o---

 

Chương 6

Để Quên hay Nhớ Lại Kiếp Trước

Nếu Có Luân Hồi, Tại Sao Lại Không Nhớ Tiền Kiếp?

 

Đây là câu hỏi đã được loài người đặt ra từ lâu khi vấn đề luân hồi được nêu ra. Nếu Luân hồi là có thật thì cho đến nay, nguyên nhân nào đã khiến cho con người nhớ lại hay quên đi cuộc đời trước đó của mình vẫn chưa hoàn toàn được giải thích và chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên không phải đó là nguyên nhân để phủ nhận vấn đề luân hồi. Vấn đề luân hồi là một vấn đề sâu xa tế nhị. Từ ngàn xưa, con người đã tìm cách lý giải vấn đề này. Trong nhân gian, không hiếm những lời giải thích tại sao lại quên những gì về tiền kiếp. Nếu giả dụ rằng có sự tái sinh thì nhớ lại kiếp trước sẽ gây được biết bao điều phiền toái trở ngại. Một người sinh ra nếu nhớ lại tiền kiếp của họ, người ấy sẽ tìm đến những gì liên quan đến bản thân họ ở quá khứ hơn là hiện tại. Thực tế trên thế gian đã có khá nhiều trường hợp xảy ra. Vì hiện tại họ mới chỉ sinh ra và rất mới lạ đối với những người mà họ nhận là cha, mẹ, anh em, bà con... Một thí dụ dể hiểu là khi một đứa bé ra đời và đến tuổi biết suy nghĩ, nếu đứa bé ấy nhớ lại tiền thân của mình là con của ông A, bà B thì dĩ nhiên khi lớn tình mẫu tử, phụ tử sẽ sống dậy nơi đứa bé và dĩ nhiên nó sẽ tìm đủ mọi cách để gặp lại cha mẹ cũ. Như vậy người mẹ hiện nay của đứa bé sẽ ra sao? sẽ đau đớn khổ sở, buồn rầu biết chừng nào? thí dụ ấy giống như tâm trạng của một cô gái ngày xưa về nhà chồng mà bao nhiêu kỷ niệm đẹp với người yêu dấu đều bỏ lại đằng sau trong khi người mà mình sẽ gọi là chồng thì lại là một người không quen biết do cha mẹ của tiền kiếp thì hình ảnh ấy sẽ lôi cuốn vô cùng không những vì tình cảm rằng buộc mà còn có thể là vì tò mò muốn biết sự thật về kiếp trước của mình ra sao.

 

Luật luân hồi quả báo quy định rõ ràng con người sẽ phải chuyển sinh qua nhiều kiếp và những gì họ phải trải qua như buồn đau khổ hận, tai nạn hoặc sung sướng hạnh phúc, giàu sang, đều do từ kết quả họ tạo ra từ kiếp trước. Hiện tượng luân hồi được xem như là một định luật. Tuy nhiên luật này dễ bị xáo trộn khi con người biết được rõ ràng mỗi kiếp của mình. Những bậc Đại Sư, những vị Cao tăng cũng chưa hẳn biết rõ tiền kiếp của mình. Những bậc Thiền giả có huệ lực cao khi tập trung tư tưởng mới có thể nhớ lại kiếp trước và xem đó như là những biến cố đã xảy ra trong những giòng đời trước đó của mình. Chính Đức Phật Thích Ca khi đang trên đường tìm đạo, vẫn chưa biết được tiền kiếp của mình, mãi đến khi chứng ngộ đạo pháp mới thấy được các kiếp. Nhờ ngài đã đắc được Túc Mạng Minh và Thiên Nhãn Minh, nhờ đó mà ngài nhớ lại được hàng ngàn tiền kiếp chuyển hóa trong trí như một cuộn phim quay ngược dòng thời gian.

 

Như vậy, chỉ những bậc siêu phàm mới có khả năng nhớ lại tiền kiếp, còn loài người hầu như tất cả đều chìm đắm trong tăm tối mê mờ không thấy, không biết những gì đã xảy ra ở những tiền kiếp của mình. Chỉ họa huần mới có những trường hợp dị biết lạ lùng như có những đứa bé mới 4, 5 tuổi kể lại tiền kiếp mình hay có người có khả năng khơi dậy những hình ảnh của kiếp trước nơi người khác.

 

Trong dân gian Việt Nam ta thường nghe kể lại chuyện những người chết đi sống lại kể các chuyện thác vào Địa Ngục. Những linh hồn này trước khi đi qua chiếc cầu khủng khiếp để đến chốn Diêm phù, họ đều được quỉ sứ cho ăn cháo. Cháo này gọi là Cháo Lú. Công dụng chính của Cháo Lú là để linh hồn người chết quên hết những gì về quá khứ của đời mình để dễ dàng cho việc đầu thai sau này, vì nếu không thì những linh hồn ấy vẫn còn mang nặng những nhớ thương tiếc nuối về cảnh cũ, người xưa, tình ruột thịt, máu mủ giữa cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái khiến lúc tái sinh luân hồi, họ lại tìm đến những gì liên hệ với tiền kiếp. Điều đó làm khó khăn trở ngại cho sự trả quả trong lần đầu thai lại này và cả những lần chuyển sinh khác nữa.

 

Câu chuyện truyền khẩu trong dân gian ấy nói lên phần nào sự quên đi tiền kiếp của mỗi người khi họ đầu thai. Tuy nhiên, như đã nói từ trên, từ cổ đại cho đến nay vẫn không hiếm những người có khả năng nhiều ít về sự nhớ lại những gì trong quá khứ. Trên thế gian có nhiều người có trí nhớ siêu đẳng và cao hơn nữa, có người có khả năng nhớ lại tiền kiếp như đã trình bày từ trước. Từ lâu, các nhà nghiên cứu về hiện tượng tâm thần như Freud, Jerome Kegan, Emest Havemann. William C.L.C. Macleod, Kripke.D.F.,Simons R.N... đều cho biết rằng tiềm thức là cái thâm sâu vi diệu nhất thuộc về lãnh vực tinh thần ở con người. Họ cố gắng nghiên cứu tìm hiểu những vùng sâu thẳm của tiềm thức, vì kinh nghiệm cho thấy, qua giấc mơ nhiều người đã quay về thời kỳ ấu thơ của mình rất rõ ràng tự nhiên như đang xem qua một cuốn album dán ảnh của họ chụp vào những giai đoạn từ ấu thơ đến khôn lớn. Những hình ảnh ấy vô cùng linh hoạt và rất chi tiết cả từ hình ảnh, màu sắc, cử chỉ, môi trường, sự việc xảy ra. Như thế rõ ràng là ở trong bộ não đã có những vùng giữ lại ký ức của mọi việc đã xảy ra từ lúc con người sinh ra. Theo nhà nghiên cứu nổi danh về vấn đề này là Hidtoring Tan thì trí nhớ được giữ lại trong những phân tử protein của tế bào não. Nếu có một năng lực nào làm khởi động các phân tử ấy thì các ký ức sẽ được phục hồi rõ nét. Từ lâu phương pháp thôi miên được áp dụng để làm khơi dậy những hình ảnh của quá khứ ấn nhập trong những vùng sâu thẳm của bộ não. Nếu khả năng của thuật thôi miên mạnh mẽ hơn nữa thì những hình ảnh của quá khứ xa xăm của một đời người sẽ hiện ra rõ rệt trong trí nhớ người đó và xa hơn nữa là tiền kiếp của người ấy. Nhiều thắc mắc về hình ảnh của tiền kiếp từ lâu đã được đưa ra. Người ta tự hỏi rằng tại sao trong bộ não một người lạ lại có tích chứa những hình ảnh của tiền kiếp trog khi người ấy sinh ra và lớn lên rồi già chết, bộ não ấy của một đời người lại ghi nhận những dữ kiện xảy ra từ những đời trước đó?

 

Trường hợp cần nhắc rằng từ lâu, các nhà nghiên cứu về óc não đã quan tâm đến vấn đề là bộ não con người là một thế giới lạ lùng mà sinh vật học mới lần bước vào một vài đoạn đường của nó mà thôi. Ngày nay, các nhà khoa học nhận thấy rằng từ lúc con người ra sinh ra cho đến khi họ qua đời, dù người ấy sống đến 100 tuổi đi nữa thì họ cũng chỉ tiêu thụ có một phần mười năng lực của bộ não. Vậy còn chín phần kia vẫn chưa dùng tới là bởi nguyên nhân nào? Phải chăng những phần kia còn tích chứa trong ký ức, hình ảnh, sự kiện của nhiều đời nhiều kiếp khác nữa. Chỉ khi nào có được sự kích động, khêu gợi do nguyên động lực nào đo mà làm phát sinh như sự thôi miên chẳng hạn thì những ký ức ấy mới lột rõ. Đôi khi những hình ảnh, sự việc xảy ra trùng hợp với những hình ảnh trong quá khứ xa xăm của tiền kiếp cũng khích động được.

 

Điều này giải thích sâu xa hơn những trường hợp vì sao có người thầy cái bánh xe lại khiếp sợ vì trước đó hay từ tiền kiếp họ đã bị một tai nạn khủng khiếp có liên hệ tới bánh xe như bị tra tấn bằng bánh xe, bị bánh xe cán qua người. Nhiều người đôi khi khủng hoảng sợ trước một vài, thứ như sợi dây, nhánh cây, con mèo, hoặc có khi sợ nước, sợ màu đen, sợ tiếng còi... là những thứ xét ra không có gì phải đáng hoảng sợ. Nhưng theo khoa tâm lý học thì sự hoảng sợ ấy đều có nguyên nhân vì có thể trước đó những thứ ấy đã là nguyên nhân gây nên những sự việc hệ trọng, đôi khi nguy hiểm tạo đe dọa trong quá khứ và hình ảnh ấy ăn sâu trong tiềm thức cho đến khi được khơi dậy lại từ những sự vật, hiện tượng liên quan.

 

Theo ông Edgar Cayce (người có khả năng khơi dậy những hình ảnh trong tiền kiếp của người khác) thì mỗi người đều tích trữ trong bộ não mình những ký úc tiềm tàng từ tiền kiếp. Qua nhiều kiếp, mỗi người đã trải qau những giai đoạn phức tạp khác nhau và đôi khi những hình ảnh trong ký ức ấy được hiện ra trở lại qua nhiều tác nhân như giấc mộng khi đang ngủ hay những hình ảnh khi đang thức hay mạnh mẽ hơn và rõ ràng hơn khi được kích động qua giấc ngủ thôi miên. Tiến sĩ Igo Xamolvich Lixevich (Nga Xô), nhà nghiên cứu về triết học Đông phương đã ghi nhân rằng:

 

"Không riêng gì ở các nước Đông Phương huyền bí mà ngay ở các nước Âu Châu và Mỹ Châu, đâu đâu cũng có những trường hợp lạ kỳ mà cho đến nay giới khoa học vẫn chưa giải thích được".

 

Nhiêu người, nhất là con trẻ đã kể lại quãng đời về tiền kiếp của họ.

 

Các nhà khoa học hiện nay chỉ mới dựa vào các gen di truyền ở các nhiễm sắc thể trong tế bào và gọi từ trí nhớ gen hoặc giải thích qua hiện tượng tiềm thức là những gì mà ý thức con người không kiểm soát nổi hoặc qua những hình ảnh hay câu chuyện ngẫu nhiên nào đó để rồi tích tụ lại trong tiềm thức và khi gặp điều kiện hay bất chợt phát sinh vì ột tác đông của một sự thúc đẩy nào đó về tâm lý. Riêng đối với các nhà nghiên cứu siêu linh thì có một lý luận cho rằng: cái gọi là hồn của một chết nào đó đã nhập vào một người hác và nếu bị hồn khác xâm nhập lại yếu về năng lực tinh thần lẫn thể xác thì khi đó sẽ bị hồn mới nhập khống chế về điều trước tiên là kích động việc nhớ lại cuộc đời của người khác. Thật sự cho đến nay, vấn đề vẫn chưa được sự giải thích rõ ràng.

 

 

Vai Trò Của Thôi Miên Trong Vấn Đề Nhớ Lại Tiền Kiếp

 

Như miên được hiểu là những tác động để đưa một người nào đi vào giấc ngủ nhưng giấc ngủ này có vẻ khác thường vì người ngủ ấy không ở vào trạng thái ngủ của giấc ngủ tự nhiên bình thường mà thể hiện ở trạng thái vô cùng đặc biệt như đang đi vào cõi thế giới xa lạ nào đó, hoặc thấy những sự việc của quá khứ hay tương lai. Tuy ngủ nhưng người ấy vẫn thấy và vẫn nghe tất cả những gì diễn biến trong giấc ngủ. Thôi miên vì thế được nhiều người hiểu như là một trạng thái xuất hồn và người đi vào giấc ngủ thôi miên đôi khi thấy được những sự việc ngoài tầm mắt của họ.

 

Có người tự mình có thể làm cho mình tự đi vào giấc ngủ thôi miên. Tuy nhiên trường hợp ấy rất hiếm như trường hợp ông Edgar Cayce, người có khả năng lạ lùng về lãnh vực này. Còn phần lớn đều phải tập luyện kiên trì và phải có cái thiên tư, năng khiếu hay "điện lực" nào đó. Cũng có người, mà phần lớn đều phải được những người có khả năng như đã nói ở trên đưa mình vào giấc ngủ thôi miên. Người nổi danh về lãnh vực thôi miên là nhà nghiên cứu De Puységur (năm 1784). Nhưng khoa thôi miên đã thật sự phát triển, được lưu ý và công nhận là một sức mạnh của tinh thần torng khoa tâm lý học, thôi miên đã đi hẳn vào ngành y khoa và là một lợi khí vô cùng quan trọng trong phép tìm bệnh, chữa bệnh.

 

Từ xưa, các nhà y học, đã lưu tâm đến hiện tượng thôi miên, một hiện tượng liên quan đến tâm sinh lý, một hiện tượng cao siêu trong lãnh vực tinh thần. Đó là một năng lượng tinh thần có sức mạnh lạ kỳ trong phép trị liệu những bệnh thuộc lãnh vực tinh thần. Từ bác sĩ Petétin (1808) đến bác sĩ Braid đều chú trọng đến khoa thôi miên. Trước đó khoảng 300 năm, khoa thôi miên cũng đã được dùng để truy tầm nguyên nhân của tật bệnh. Về sau, bác sĩ Berheim đã chứng minh rõ ràng về khả năng của phương thức chữa bệnh và tìm bệnh nhờ thôi miên. Nhà vật lý học nổi tiếng Pháp là Patrick Drouot đã áp dụng phương thức thôi miên để trị bệnh và truy tìm bệnh.

 

Từ lâu, các nhà nghiên cứu về thôi miên cho thấy rằng khoa thôi miên có khả năng khơi dậy những gì thuộc về ký ức tiềm ẩn về những quá khứ xa xăm mà trí nhớ của con người bình thường không thể nhớ lại được. Ngày xưa, các nhà y học và tâm lý học ứng dụng sự kiện này vào việc chữa bệnh tâm thần. Họ truy nguyên do đâu làm phát sinh sự điên loạn, lo sợ, sầu bi, uẩn khúc, rối loạn tâm trí ở con người. Dần dần, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra được một điều mới mẻ kỳ lạ khác là đôi khi trong giấc ngủ thôi miên, con người còn có khả năng kể lại những hình ảnh lúc còn bé mà trước cả thời gian đó. Như vậy ý nghĩa sâu xa hơn nữa chính là tiền kiếp của người đó. Nữ bác sĩ Hoa Kỳ nổi danh chữa bệnh bằng phương pháp thôi miên để khơi dậy tiền kiếp là bà Edith Fiore. Bà Helen Wambach là nữ tiến sĩ, chuyên nghiên cứu về vấn đề luân hồi tái sinh cũng đã áp dụng phương pháp thôi miên để đưa người bệnh nhớ lại tiền kiếp.

 

Bác sĩ Alexander Cannon là một nhà nghiên cứu về bệnh lý liên hệ tới hiện tượng tâm lý đã khẳng định rằng: trước đây ông còn nghi ngờ về vấn đề liên quan đến hiện tượng tái sinh và nhất là những gì đã xảy ra trong quá khứ xa xăm của kiếp người đó nhưng về sau, qua hàng nghìn trường hợp được nghiên cứu cẩn thận ông không còn thấy mối nghi ngờ nào nữa về tác dụng của khoa thôi miên trong vấn đề khơi dậy tiềm năng của trí nhớ về những hình ảnh của tiền kiếp.

 

Các nhà nghiên cứu thôi miên cho biết não bộ con người được xem như là một máy phát điện hay một bình ắc quy. Đồng thời cũng là một bộ máy thu luồng sóng điện. Khi muốn đạt kết quả của thuật thôi miên, cần tập trung ở vùng trung tâm của sự tập trung tư tưởng hay chú ý. Người Ấn Độ từ xưa đã biết rõ điểm tập trung này. Điểm này được đánh dấu rõ ràng giữa 2 chân mày, thường người Ấn hay tạo một chấm đỏ ở trán nằm ngay ở điểm tập trung này.

 

Hiện việc áp dụng khoa thôi miên trong vấn đề khơi dậy quá khứ đã và đang được phát triển khắp nơi trên thế giới. Các cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu và trị liệu các loại bệnh thuộc nan y đang được mở ra ở nhiều nơi do các nhà nghiên cứu về thôi miên kết hợp với các nhà tâm lý học và y, bác sĩ. Cũng từ đó, các nhà nghiên cứu về hiện tượng tâm linh đã bắt đầu vững tin vào những gì mà từ lâu họ đang lần bước tìm hiểu: đó là hiện tượng nhớ lại tiền kiếp của mỗi người.

 

 

Tuổi Tác Và Khả Năng Nhớ Lại Tiền Kiếp

 

Như vậy, những gì gọi... là tiềm thức, là hình ảnh và trí nhớ trong tiền kiếp là điều không thể chối cãi. Từ đó vấn đề mỗi con người không thể nhớ lại tiền kiếp mình cũng được các nhà nghiên cứu về hiện tượng luân hồi giải thích như sau:

 

Ngay trong mỗi con người của chúng ta đôi khi cũng thường bị quên trong cả những việc vừa làm chớ không riêng gì những điều đã xảy ra từ tấm bé, có người tự hào mình nhớ hết những gì xảy ra hồi còn bé nhưng thật sự chỉ nhớ những hình ảnh và sự việc đại cương mà thôi chớ không thể nào nhớ chi tiết từng ngày từng giờ từng tháng từng năm cùng với mọi sự việc xảy ra. Theo các nhà não sinh học thì sự quên là điều rất cần thiết vì bộ não cũng cần được nghỉ ngơi. Não là một thư viện khổng lồ lưu trữ biết bao nhiêu sách vở và tài liệu của ký ức con người, mỗi giây, mỗi phút mỗi ngày, mỗi giờ đều có những hình ảnh, sự kiện khác được thu nhận, những gì trước đó phải được cho vào sâu trong tiềm thức sẽ là ký ức để dành chỗ cho những sự kiện khác đến. Vì thế sự quên đi là điều hiển nhiên. Chỉ khi nào cần đến hoặc được khơi dậy thì chúng mới hiện ra, vậy sự quên không có nghĩa là mất hẳn và sự quên nên được hiểu như một cuốn sách đang để vào sâu trong một ngăn nào đó của hộc tủ thư viện mà thôi. Từ lập luận đó ta mới thấy được tại sao con người không nhớ lại được tiền kiếp của mình, nhất là những hình ảnh, sự kiện lại xảy ra ở một thời gian quá xa.

 

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu về trí nhớ thì khả năng nhớ lại của con người về những gì đã xảy ra thường thay đổi theo tuổi tác, thông thường người ta cứ tưởng rằng người già có trí nhớ phi thường. Thật ra, theo Jidith Randal và Steven Ferris, David Krech... thì người già thường nhớ rất lâu về tình cảm trong đời, nhất là tài năng của họ. Nguyên nhân chính là do sự nuối tiếc, luyến lưu. Nhưng thật sự trí nhớ ấy chỉ là tổng quát, đại cương chớ không sâu sắc. Cũng theo các nhà nghiên cứu này thì vào khoảng tuổi từ 50 đến 60, con người thường dễ quên và khó có được trí nhớ tốt lành. Đôi khi họ còn dễ quên ngay cả những việc mới xảy ra trong một thời gian ngắn thôi. Y học gọi đó là sự suy thoái về trí nhớ liên hệ tới tuổi (Age Associated Memory Impairment (AAMI).

 

Ngược lại đối với người tuổi trẻ, nhất là con trẻ, bộ óc lại có khả năng phát triển về trí nhớ rất mạnh. Điều này phù hợp với việc nghiên cứu và khám phá của giáo sư tiến sĩ Ian Stevenson khi ông tìm hiểu về vấn đề Luân Hồi Tái Sinh qua con trẻ. Nhà khoa học này đã nghiên cứu qua hàng ngàn trường hợp về hiện tượng con người nhớ lại tiền kiếp của mình cũng như các nhà nghiên cứu John Van Auken, Shelley, Violet, Cerminara, Gina, Sparrow, Lynn... đã lưu tâm. Theo tiến sĩ Stevenson thì con trẻ có khả năng nhớ lại tiền kiếp của chúng rất lớn, bộ óc chúng có ưu điểm và trong thời kỳ thanh xuân tươi trẻ ấy có thể tự động tạo nên những hình ảnh kéo về từ quá khứ xa xăm (ở đây phải là tiền kiếp vì đối với trẻ con, 4, 5 tuổi quả thật chưa có quá khứ nếu xét theo đời hiện đại của nó) nhất là khi chúng gặp được những hình ảnh, sự kiện liên quan nào đó. Qua các tài liệu thu thập được từ năm 1960 trở về sau, tiến sĩ Stevenson đã có được một số lớn sự kiện lạ lùng phát sinh từ con trẻ khi chúng tự nhiên kể lại hay bộc lộ những gì liên quan đến tiền kiếp của chúng. Những trẻ con này thường chỉ ở khoảng 4, 5 tuổi mà thôi. Ở lứa tuổi mà khi xét đến cử chỉ, lời nói, sự nhận thức hay khả năng thì quả là không thể có được. Nhiều trường hợp lạ lùng nhưng có thật đã xảy ra qua các tài liệu mà tiến sĩ Stevenson đã thu thập được như em bé Duminda 6 tuổi ở làng Kandy (Sri Lanka), bé Thusitha, bé Tatu, hay bé người Thổ Nhĩ Kỳ... những em bé này đã kể lại tiền kiếp của mình ra sao, cha mẹ mình là ai, đã qua đời vì nguyên nhân nào... và kỳ dị hơn nữa là những em bé này đã cho thấy những bằng cớ chính xác rõ ràng về những gì mà chúng đã kể đến.

 

Trong vòng mấy mươi năm qua, vấn đề con trẻ nhớ lại những gì gọi là tiền kiếp đã được xem như là vấn đề có cơ sở khoa học chớ không còn là chuyện mê tín huyền hoặc nữa. Tuy nhiên có lẽ vấn đề khó giải thích và khó chứng minh nên từ xưa chưa có nhiều người, nhất là giới khoa học đứng ra nghiên cứu và cổ xướng rộng rãi. Mãi về sau mới có một số nhân vật nổi danh như bác sĩ Melvin More, nữ giáo sư Diane Komp và đáng lưu ý hơn cả là giáo sư, bác sĩ Ian Stevenson thuộc đại học Virginia (Hoa Kỳ), là người đã bỏ ra một thời gian dài để nghiên cứu về các trường hợp thuộc hiện tượng luân hồi tái sinh (Reicarnation) từ các con trẻ. Giáo sư tiến sĩ Ian Stevenson còn là nhà tâm sinh lý nổi tiếng ở đại học Charlottes Ville. Ôâng đã nghiên cứu 10.623 trường hợp có liên đến hiện tượng luân hồi, tái sinh trong đó có khoảng 40 trường hợp đầu thai xảy ra tại nước Pháp và một số rất lớn trường hợp đầu thai xuất hiện ở Ấn Độ. Ngoài những trường hợp xác nhận hiện tượng tự nhiên ngoại thể, ông còn kiểm tra qua các cuộc giải phẫu và mổ tử thi tại bệnh viện và nhờ đó mà có thể xác nghiệm được nhiều trường hợp lạ lùng về tiền kiếp như đương sự có dấu vết bẩm sinh trên cơ thể tương ứng với những gì đã xảy ra trong kiếp trước.

 

Có hơn 2500 trẻ con nhớ lại những gì của thời quá vãng, cái thời mà với lứa tuổi hiện tại của chúng (có trẻ chỉ mới 4, 5 tuổi) người ta không thể cho là ở trước đó một vài năm mà rất xa, có nghĩa rằng phải dùng tới chữ Kiếp Trước của chúng. Hơn nữa những gì mà các em bé này nhớ, kể lại, mô tả lại hoàn toàn không ăn nhập gì với hoàn cảnh và thời gian mà chúng đang sống ở hiện tại. Theo bác sĩ Stevenson thì các em này thường mở đầu bằng hai chữ "lúc đó" "hồi đó". Điều đặc biệt là bác sĩ Stevenson đã luôn luôn để ý cân nhắc, gạt bỏ những gì có tính cách không đứng đắn với sự mô tả hoặc có sự liên hệ chỉ bảo của người lớn (có thể giúp cho con trẻ phát biểu những điều mà trí óc chúng không thể nào đã có sẵn, đã được khắc ghi). Ngoài ra, bác sĩ Stevenson còn lưu ý một sự kiện quan trọng khác, đó là dấu vết bẩm sinh trên cơ thể của các cháu bé (birthmarks) hoặc ngay cả những trường hợp quái thai (birth defets). Khi những cháu bé này nhớ lại tiền kiếp của chúng thì thường thường có sự liên hệ lạ lùng giữa sự kiện với dấu vết bẩm sinh hay dị tật mà chúng đã mang trên cơ thể.