Giữa tháng 5 năm 2012, người dân ở gần đền Cây Chay và đền Miệu Trạm Năm, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) rỉ tai nhau về một gia đình vừa đào được 1 lá trầu vàng và 1 quả cau vàng, sau đó ít lâu thì xảy ra vụ hàng loạt rắn lớn chết dọc con sông Tiêm...
Câu chuyện về những con rắn hổ chúa chết dạt trước một ngôi đền thiêng ở Hà Tĩnh vừa dịu dần, thì lời đồn đó lại rộ lên, khiến không ít người sống xung quanh hoang mang lo lắng. Sự liên tiếp này khiến một số người cho rằng chúng có liên đới với nhau.
Từ những câu chuyện đồn đoán
Ngày 15/4/2012, người dân xã Phú Phong, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bất ngờ phát hiện gần 20 con rắn hổ chúa chết rải rác trên sông. Vì số rắn tìm thấy nằm ngay trước cổng một ngôi đền được người dân cho là thiêng nên có vô số câu chuyện tâm linh đã được thêu dệt.
Theo lời kể của một số người dân thì chiều 15/4/2012, một người dân địa phương tên là Thái đã phát hiện có khoảng từ 15 - 17 con rắn hổ chúa, một loài động vật hoang dã rất quý hiếm, chết rải rác ngay trước cửa đền Cây Chay thuộc xã Phú Phong, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), con lớn nhất nặng khoảng 8kg, còn con nhỏ nhất cũng khoảng 2kg.
Anh Thái kể: "Mặc dù sống ở địa phương đã lâu năm nhưng tôi chưa bao giờ thấy những con rắn to như vậy. Lúc đầu, tôi chỉ thấy một con nằm chết ngay giữa cửa đền Cây Chay. Đi thêm mấy bước nữa, thấy hai con quấn vào nhau bên mép nước, nơi cổng đền tiếp giáp với bờ sông Tiêm. Thấy lạ, tôi gọi mọi người trong xóm ra xem.
Sau đó, người ta phát hiện có hơn chục con rắn nằm rải rác bên bờ sông. Có đôi vợ chồng định mang những con rắn này về để nấu cao, tuy nhiên, khi anh chồng nhặt con rắn đầu tiên lên thì thấy máu trong con rắn bất ngờ bắn ra tung tóe, nên đã vứt xuống sông và bỏ chạy thục mạng. Bán tín bán nghi, một số người dân địa phương đã mời thầy cúng về thắp hương, tạ lễ".
Ông Nguyễn Văn Trác (78 tuổi), trưởng ban nghi lễ đền Cây Chay kể: "Đền Cây Chay thờ Đức Thánh Sông Tiêm, vốn rất linh thiêng (!?). Từ năm 2000 đến nay, người dân đến đây dâng hương nhiều hơn, vì vào năm đó, có một con rắn hổ chúa cụt đuôi đã đẻ ra 12 quả trứng ngay tại cổng đền.
Người dân địa phương đã bảo vệ và để cho 12 con rắn ra đời nguyên vẹn, an toàn. Nay xôn xao chuyện rắn chết trước cổng đền khiến nơi thanh tịnh này bỗng trở nên xáo trộn".
Để trấn an tinh thần của người dân, chính quyền địa phương giải thích đây là số rắn của một lái buôn động vật nào đó. Sau khi phát hiện chúng bị chết, người này đã đưa ra sông "phóng sinh" để sau này làm ăn "xuôi chèo mát mái" (!?).
Rồi những tin đồn về cái chết bất thường của hàng loạt con rắn ấy cũng chìm dần. Bẵng đi một thời gian, từ đâu "bay" về một tin đồn mới, khiến vùng đất này lại "dậy sóng".
Tin rằng: Trước khi xảy ra cái chết của gần 20 con rắn to ngày 15/4/2012, cách đó khoảng 3 - 4 km, gần chợ Phú Gia, có gia đình nọ vừa đào lên được một lá trầu vàng và một quả cau vàng.
Họ cho rằng nó có liên đới đến cái chết bất thường của những con rắn, như một sự trừng phạt. Những con rắn này có sứ mệnh canh giữ các báu vật đó, nay bị đào mất, tức là đã không làm tròn nhiệm vụ được giao phó, phải đón nhận cái chết?!
Chuyện lạ đồn xa, tin nhanh chóng lan rộng khắp vùng, khiến không ít người hoang mang, lo sợ. Chúng tôi lại vác ba lô ngược về đền Cây Chay một lần nữa để tìm hiểu thực hư lời đồn đoán ấy.
Sự thực câu chuyện về rắn...
Theo một số người cao tuổi sống gần đền Cây Chay, nếu khớp nối hai hiện tượng này thì rất giống với những tích tâm linh từng được lưu truyền. Tuy nhiên, việc xuất hiện hàng loạt những con rắn chết trôi dạt trước đền Cây Chay và dọc ven sông Tiêm lại không liên quan gì đến những câu chuyện tâm linh đó.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi những con rắn dạt về đền Cây Chay, một vài người đi đường đã nhìn thấy có một chiếc xe ô tô chở khách dừng ngay bên sông Tiêm, cách đoạn sông chảy qua đền khoảng 3km.
Chủ xe đã cho người vứt mấy bì tải đựng rắn chết xuống sông. Mùi rắn chết bốc oi nồng cả xe, khiến nhà xe phải dừng lại múc nước chùi rửa cả khoang cốp. Trên thực tế, số rắn chết dạt bờ sông Tiêm đều đã bốc mùi hôi thôi, chứ không còn tươi như nhiều người đồn đại.
Như vậy là không có uẩn khúc, hay câu chuyện kỳ bí nào xung quanh lá trầu vàng và cái chết hàng loạt của những con rắn đó.
Đến những di vật của vua Hàm Nghi?
Chị Nguyễn Thị Lan, một hộ dân sống lâu năm cạnh đền Cây Chay kể cho chúng tôi nghe: Lớn lên bên ngôi đền thiêng này, chị và em trai mình đã được chứng kiến nhiều câu chuyện về ngôi đền, nhưng sự kiện ngày 15/4 vừa qua, trước cái chết hàng loạt của những con rắn chúa dạt về nơi cửa đền thì chị chưa thấy bao giờ.
Ở khu vực quanh ngôi đền thờ Đức Thánh Sông Tiêm, rất ít khi có sự hiện diện của những con rắn, đặc biệt là loài rắn lớn như vậy. Duy có một lần, khi còn nhỏ, theo bố và em vào quét đền, chị và mọi người phát hoảng khi thấy một con rắn lớn đang khoanh tròn nơi đền chính.
Bố chị bảo hai chị em dừng quét, về nhà, để lại sự yên tĩnh cho con rắn nghỉ ngơi. Hôm sau, mọi người ra thì không thấy nữa, và đó cũng là lần duy nhất chị thấy rắn ở đền Cây Chay.
Một thời gian sau khi con rắn xuất hiện, có một người đàn ông đã đến đục một cái lỗ ở nơi thờ chính, lôi ra trong đó bao nhiêu vật dụng bằng vàng. Người đàn ông này đưa số vật dụng đó về nhà, sau đó không lâu thì chết, bởi những ám ảnh từ giấc ngủ mụ mị toàn rắn. Cái lỗ đó đến giờ vẫn còn.
Chị Trần Thùy, một người dân khác sống cạnh đền Cây Chay không tỏ ra ngạc nhiên về câu chuyện lá trầu vàng bị mất cắp và cái chết của những con rắn. Chị kể: "Tôi sống ở đền nhưng chưa nghe cái chuyện người ta đào được lá trầu và quả cau vàng. Tuy nhiên, hai đồ vật đó là có thật, nhưng không phải ở đền Cây Chay này.
Hôm trước, một người quen của gia đình tôi ở đền Miệu Trạm Năm xuống đây xem rắn chết, có kể về chuyện lá trầu vàng. Nhưng không phải ai đào được mà hiện do một người đàn ông được gọi là cố Trần Kim Quỳ cất giữ.
Đó là báu vật của xã Phú Gia (Hương Khê) được lưu truyền, giữ gìn mấy đời rồi. Mỗi năm trao cho một người bảo vệ. Mỗi năm, cứ đến mồng 6 tháng giêng, nơi đây lại tổ chức lễ rước những những đồ vật này".
Chúng tôi lại ngược về xã Phú Gia, nơi có đền Miệu Trạm Năm và đền Trầm Lâm. Sau một hồi vòng vèo, chúng tôi cũng tìm được nhà cố Trần Kim Quỳ, cố đạo khu di tích lịch sử văn hóa xã Phú Gia, người được cho là đang bảo giữ chiếc lá trầu và quả cau vàng.
Cố cho biết: "Việc cố và các cụ trong làng đang bảo vệ một số tài sản của vua Hàm Nghi là có thật. Tuy nhiên, những đồ vật ấy đều được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứ không có chuyện đào được dưới đất lên.
Mỗi đời đều có một văn bản bàn giao lại tài sản cho đời sau. Lá trầu và quả cau vàng, cố nghe nói là có, nhưng đến đời cố thì không còn nữa, lý do vì sao thì không thấy ghi rõ.
Hiện, những đồ vật mà đến đời cố được giao cho trông giữ gồm có: Một đôi kiếm lĩnh của vua, 42 đạo sắc được làm bằng vải nỉ, 2 con voi bằng vàng... Nhờ bảo vệ chu đáo, đến giờ những đồ vật này vẫn còn nguyên.
Mỗi năm được chuyển cho một người trông giữ, tính đến nay cũng đã mấy chục người rồi. Đó được xem như báu vật chung của cả xã, không của riêng ai. Người được trao sứ mệnh trông nom phải luôn cố gắng gìn giữ nó".
Về lá trầu và quả cau vàng, cố Quỳ không được thấy, nhưng qua một số người dân đi xem rắn chết hàng loạt ở đền Cây Chay về kể, nghe đâu có liên quan đến nhau. Họ chỉ kháo là có người đào được những đồ vật đó, chứ không ai biết rõ danh tính.
Đã mấy lần cố Quỳ hỏi dò trong dân, để tìm đến diện kiến xem có thực họ đào được những đồ vật đó, nhưng không ai hay biết. Nói về sự liên đới giữa lá trầu vàng và cái chết hàng loạt của những con rắn chúa, cố Quỳ chia sẻ suy nghĩ: "Năm 1884, đền Hàm Nghi được xây dựng.
Trước đó, các tiền bối có đào một mương nước sau đền, chảy qua xã Hương Phong. Sau khi đền Phú Gia được công nhận di tích văn hóa, nơi đây được xây dựng tôn tạo, phục chế lại, rất có khả năng ảnh hưởng đến trục mạch ở dưới đó?.
Sau khi nghe tin, cố có nghi việc 3 - 4 cái máy xúc, máy ủi trên đền Phú Gia hoạt động, cày xới phía sau đền, có khả năng liên quan đến cái chết của những con rắn dưới ấy?. Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ của cố, còn việc này có đúng hay không thì lại cần đến các nhà nghiên cứu".